Trong bối cảnh giá xăng dầu đang biến động khó lường như hiện nay, việc sử dụng công cụ bảo hiểm giá xăng dầu sẽ là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp xăng dầu giảm thiểu tối đa rủi ro, tạo cơ hội phát triển bền vững.
Giá xăng dầu “nhảy múa”
Tại Hội nghị đánh giá thị trường xăng dầu đầu năm 2022 và Phương hướng nhiệm vụ đến hết năm 2022 do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 14/4, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, thời gian qua, những biến động về nguồn cung xăng dầu thế giới cùng với xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine là nhân tố chính chi phối xu hướng giá dầu thế giới.
Chỉ riêng trong tháng 1, giá dầu thô thế giới đã tăng từ 17-18% do nguồn cung bị thiếu hụt khi Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) chỉ đạt mức tăng sản lượng 150.000 thùng/ngày vào tháng 1 dù cam kết tăng thêm 400.000 thùng/ngày, cùng với việc dự trữ dầu thô của nhiều nước (trong đó có Mỹ và khối OECD) ở mức thấp trong nhiều năm, trong khi nhu cầu ngày một tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng thêm khoảng 3,2 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.
Nếu như trong tháng 2, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine mới chỉ đẩy giá dầu lên ngưỡng 90-100 USD/thùng thì sang tháng 3, khi căng thẳng đã leo thang thành chiến sự cùng với việc Mỹ và các nước đồng minh ban bố lệnh trừng phạt vào Nga, loại nước này ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, giá của hai mặt hàng dầu chủ chốt đã vọt lên trên 110 USD, rồi trên 115 USD /thùng.
Những lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng khi hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, nước chiếm 10% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu và 30-40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu, bị gián đoạn cùng với việc OPEC+ quyết định không tăng mà giữ nguyên mức tăng sản lượng trong tháng 4 đã giữ giá dầu neo ở mức cao.
Đỉnh điểm, sau thông tin các nước phương Tây cân nhắc cấm vận dầu thô từ Nga cùng việc vòng đàm phán hạt nhân Iran gặp khó khăn, giá 2 mặt hàng dầu thô đã chạm mốc lịch sử (vào ngày 7/3/2022) ở mức 123,7 USD/thùng với dầu WTI và ở mức 127,9 USD/thùng với dầu Brent, có thời điểm vượt 130 USD/thùng (WTI) và 139 USD/thùng (Brent) trong phiên giao dịch, mức cao chưa từng có kể từ giữa năm 2008, vượt xa dự tính của giới chuyên môn và các nhà đầu tư.
“Cùng pha với giá dầu thô thế giới, giá bán lẻ xăng dầu thành phẩm tại các quốc gia trên thế giới liên tục lập các đỉnh mới từ đầu năm đến nay” – ông Khanh chia sẻ. Đồng thời cho biết, trong quý I/2022, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ghi nhận chuỗi tăng giá liên tục với 6 lần tăng giá liên tiếp và đạt đỉnh lịch sử vào ngày 11/3/2022 với mức tăng mạnh nhất từ trước tới nay. Nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giá xăng E5RON 92 sẽ lên đến mức 29.735 đồng/lít và xăng RON 95 có thể đã cán mốc 30.824 đồng/lít. Tính đến đợt điều chỉnh ngày 11/3/2022, giá xăng đã tăng 25%, giá mặt hàng dầu đã tăng gần 39% so với thời điểm đầu năm (11/1/2022).
Hiện tại, sau khi đạt đỉnh vào kỳ điều hành ngày 11/3/2022, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm liên tiếp trong 3 kỳ điều hành sau đó, cùng với diễn biến giảm chung của giá dầu thế giới.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dự báo, giá dầu năm nay là tiếp tục xu hướng tăng do nguồn cung khả năng sẽ không theo kịp nhu cầu khi OPEC+ vẫn giữ nguyên mức tăng sản lượng như cũ và sản lượng dầu thô, dầu đá phiến của Mỹ tuy đang phục hồi, nhưng khó quay trở lại mức cao trước đây do chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí thải.
Đến nay, châu Âu và Mỹ vẫn tránh việc siết chặt mạnh tay các biện pháp trừng phạt trên diện rộng với lĩnh vực năng lượng của Nga vì lo ngại giá năng lượng sẽ tăng mạnh do vị thế quan trọng của Nga trên bản đồ năng lượng toàn cầu và nếu thỏa thuận hạt nhân đạt được, Iran cũng phải mất vài tháng để khôi phục dòng chảy dầu.
Ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết thêm, giá dầu sẽ còn rất nhiều diễn biến khó lường trong năm 2022 khi giá sẽ bị tác động bởi các thông tin liên quan tới đại dịch Covid-19 và nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc; nguồn cung tăng lên từ Mỹ, nhóm OPEC+ và khả năng bù đắp phần thiếu hụt từ Nga; Mỹ tăng lãi suất và những nỗ lực hạ nhiệt giá dầu, giảm lạm phát;…
Thực tế, trong quý I/2022, giá hợp đồng dầu thô Brent trên Sở giao dịch liên lục địa (ICE) đã có thời điểm tăng lên sát mức 140 USD/thùng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, do lo ngại về nguồn cung sau các bất ổn về địa chính trị. Đến nay, giá dầu đã hạ nhiệt nhưng vẫn giao dịch ở quanh vùng giá 100 USD/thùng, là vùng giá cao nhất trong gần một thập kỷ. Giai đoạn đầu tháng 4 đã chứng kiến những phiên giao dịch lên xuống thất thường với biên độ rộng của giá dầu.
“Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ ngày càng trở nên khó dự báo hơn và cần có các công cụ để hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động kinh doanh xăng dầu khi giá diễn biến bất lợi cho doanh nghiệp” – ông Phạm Quang Anh nhấn mạnh.
Giải pháp cho doanh nghiệp xăng dầu phát triển ổn định
Trong khuôn khổ Hội nghị, ông Mike Wittner, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Dầu toàn cầu của Sở ICE cho biết, hiện nay, việc sử dụng các công cụ bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các tập đoàn, doanh nghiệp xăng dầu quốc tế. Theo thống kê của Sở ICE, có khoảng 60% lượng vị thế mở trên thị trường đến từ nhóm kinh doanh hàng vật chất, nghĩa là các công ty khai thác, chế biến, thương mại xăng dầu trên toàn thế giới. Đối với các sản phẩm tinh chế, giá xăng Singapore là giá tham chiếu đối với thị trường châu Á, và có diễn biến tương đồng với sản phẩm dầu ít lưu huỳnh trên Sở ICE, nên hoàn toàn có thể bảo hiểm giá thông qua Sở giao dịch hàng hóa tập trung như Sở ICE và MXV.
Ông Phạm Quang Anh chia sẻ, các công cụ bảo hiểm giá mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước có thể ngay lập tức sử dụng như: hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng chênh lệch giá. Đặc biệt, doanh nghiệp còn có thể sử dụng hợp đồng quyền chọn với khả năng kiểm soát mức rủi ro tối đa của doanh nghiệp, nhưng không giới hạn lợi nhuận.
Cụ thể, với các quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán, người mua ở đây là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải bỏ ra một chi phí cố định (premium) để mua quyền (không có nghĩa vụ) thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng xăng dầu nhất định trong một khoảng thời gian định sẵn. Tùy vào diễn biến giá có lợi hay bất lợi sau đó, doanh nghiệp sẽ quyết định có thực hiện quyền trong hợp đồng hay không. Khi đó, mức rủi ro tối đa sẽ là chi phí premium, trong khi lợi nhuận sẽ không bị giới hạn.
Bên cạnh các hợp đồng tiêu chuẩn như dầu WTI, dầu Brent, dầu ít lưu huỳnh, xăng pha chế RBOB, khí tự nhiên; ông Phạm Quang Anh cũng giới thiệu tới Hội nghị các sản phẩm có khối lượng hợp đồng, biên độ giá và mức ký quỹ nhỏ hơn như dầu Brent mini, dầu WTI mini và dầu WTI micro. Các sản phẩm năng lượng đa dạng sẽ phù hợp với nhiều phương pháp bảo hiểm giá, phù hợp với nhiều quy mô doanh nghiệp trên cả nước.
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch hiệp hội xăng dầu Việt Nam đánh giá cao tính thực tiễn cũng như vai trò của công cụ bảo hiểm giá trong bối cảnh hiện tại, đồng thời khẳng định khi công cụ này được triển khai sâu rộng tới các doanh nghiệp, sẽ giúp ngành xăng dầu trong nước phát triển bền vững và ổn định, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.