Sự cố tràn dầu ở Vòng Bắc Cực mới đây tại Nga là những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu những mối họa khôn lường sẽ xuất phát từ việc Trái Đất nóng lên.

Ngày 29/5, một bể chứa dầu diesel thuộc nhà máy nhiệt điện thành phố Norilsk, Liên bang Nga, nằm phía trên Vòng Bắc Cực bị nứt vỡ, làm thất thoát khoảng 21.000 tấn dầu diesel, phần lớn tràn ra sông Ambarnaya, khiến 180.000m2 diện tích khu vực bị ô nhiễm. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau đó đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và huy động mọi lực lượng tham gia xử lý “thảm họa” môi trường này.


Ảnh1. Sự cố băng tan ở Bắc Cực - Nguồn ảnh BIGNANOTECH


Có thể bạn quan tâm:
Nhiều giả thiết được đặt ra trong suốt quá trình điều tra. Tuy nhiên, chia sẻ với RBC, công ty Năng lượng Norilsk Taimyr cho rằng sự cố tràn dầu xảy ra do các cọc móng của bể chứa dầu bất ngờ bị sụt lún. Nguyên nhân sâu xa có thể do bề mặt băng vĩnh cửu ở khu vực này đang có dấu hiệu tan chảy khi chịu ảnh hưởng của việc Trái Đất nóng lên.
Chủ yếu bao phủ ở Bắc Bán Cầu, băng vĩnh cửu là tầng đất bị đóng băng có tuổi thọ hàng nghìn năm tuổi. Lớp băng vĩnh cửu này tạo thành một vành đai trải dài qua Alaska, Canada và Nga, có độ sâu từ vài cho đến hàng trăm mét.
Sâu bên trong tầng đất đóng băng này là khoảng 1,7 nghìn tỷ tấn carbon dưới dạng chất hữu cơ đông lạnh. Không chỉ bao gồm xác thực vật hay động vật mục rữa mắc kẹt trong trầm tích, lớp băng vĩnh cửu còn chứa lượng carbon, chủ yếu là metan và CO2, gấp đôi khí quyển của Trái Đất.
Khi băng tan, lượng khí CO và metan sẽ được giải phóng, gây nên hiệu ứng khí nhà kính. Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) tháng 9/2019, một phần lớn băng vĩnh cửu có thể sẽ tan chảy vào năm 2100 nếu các nước trên thế giới không chung tay có biện pháp giảm thải ô nhiễm CO2 ra môi trường.
Đồng thời, sự tan chảy của băng vĩnh cửu có thể là “chìa khóa” giải thoát các loại vi khuẩn gây bệnh từ xa xưa mắc kẹt trong băng.

 

Năm 2014, một loại virus khổng lồ nhưng vô hại mang tên Pithovirus Sibericum đã được phát hiện đang ngủ đông trong lớp băng Siberia suốt 30.000 năm.
Ngoài ra vào năm 2016, một nạn nhân trẻ tuổi đã chết ở vùng cực bắc Siberia trong một đợt bùng phát căn bệnh than. Các nhà khoa học cho rằng nguồn gốc của căn bệnh có khả năng đến từ xác chết của những con tuần lộc nhiễm bệnh được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu tan chảy.

 

Theo góc nhìn tích cực, quá trình tan chảy của băng vĩnh cửu có thể mang lợi ích cho các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ tại Bắc Cực. Nhưng nếu con người tác động quá sâu vào tầng đất bên trong, các nhà khoa học cảnh báo hành động của chúng ta sẽ đánh thức sự trở lại của các virus nguyên thủy.
Đồng thời, lớp băng vĩnh cửu đang là mối đe dọa nghiêm trọng và tốn kém cho cơ sở hạ tầng, có nguy cơ gây sạt lở cho các tòa nhà, đường xá và những ống dẫn dầu khổng lồ vốn nổi tiếng ở miền bắc nước Nga.

Nguồn Tin: BIGNANOTECH