Thủ tướng Peru Mirtha Vásquez hôm 19/1 cho rằng nhà máy lọc dầu Pampilla do tập đoàn dầu khí khổng lồ Repsol của Tây Ban Nha điều hành, dường như không có kế hoạch đối phó sự cố tràn dầu.
Bộ Ngoại giao Peru yêu cầu công ty "bồi thường ngay lập tức" vì những thiệt hại do vụ tràn dầu hôm 15/1 "ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng trăm hộ ngư dân" và "gây nguy hiểm cho hệ động thực vật" ở hai khu vực thiên nhiên được bảo hộ.
Giới chức đã phong tỏa ba bãi biển hôm 17/1, sau khi sóng to do vụ phun trào núi lửa Tonga khiến 6.000 thùng dầu bị tràn trong quá trình tàu chở dầu hạ tải ở nhà máy lọc dầu La Pampilla ngoài khơi gần Lima.
Sự cố được mô tả là thảm họa sinh thái tồi tệ nhất với quốc gia Nam Mỹ này trong lịch sử cận đại. Hình ảnh trên mạng xã hội và tivi cho thấy bãi biển đen kịt, chim biển chết ngập trong dầu, trong đó có loài chim cánh cụt Humboldt quý hiếm ở khu vực được coi là điểm nóng về đa dạng sinh học biển.
Ban quản lý nhà máy lọc dầu ban đầu mô tả sự cố tràn dầu "có quy mô nhỏ" và cho hay đang làm việc với chính quyền để dọn dẹp bãi biển. Tuy nhiên, nhiều người dân phẫn nộ vì cho rằng công ty đã phản ứng chậm.
Tina Van Den Wall Bake, phát ngôn viên của Repsol, phủ nhận công ty phải chịu trách nhiệm. "Chúng tôi không gây ra thảm họa sinh thái này nên không thể nói ai phải chịu trách nhiệm", bà nói hôm 19/1.
Các nhóm môi trường chỉ trích phản ứng của công ty cũng như chính quyền Peru. Tổ chức bảo vệ môi trường Oceana Peru cho hay dầu đang lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Peru, ảnh hưởng tới các loài chim biển, mòng biển, nhạn biển, sư tử biển, rái cá và cá heo.
"Tác động môi trường và xã hội của sự cố tràn dầu Depsol trong ngắn hạn và dài hạn là cực kỳ nghiêm trọng, công ty đã phản ứng rất kém", Christel Scheske, chuyên gia bảo tồn của Hiệp hội Luật Bảo vệ Môi trường Peru, nói.
"Sự cố tràn dầu ảnh hưởng tới một phần đa dạng sinh học cao của bờ biển Peru, bao gồm hai khu bảo tồn quan trọng không chỉ với đa dạng sinh học biển của Peru mà còn với hơn 1.000 ngư dân trong khu vực", bà nói.
"Kim loại nặng từ dầu thô sẽ tồn tại trong hệ sinh thái nhiều năm, khiến cá, động vật thân mềm và các loài sinh vật biển khác trở nên nguy hiểm với con người, ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi thức ăn biển".
Bộ Môi trường Peru hôm 17/1 cho hay nhà máy lọc dầu có thể đối mặt khoản tiền phạt lên tới 34,5 triệu USD. Công tố viên đã mở điều tra công ty với cáo buộc gây ô nhiễm môi trường.
Nửa lửa phun trào ở Tonga hôm 14 và 15/1 gây sóng thần khắp khu vực Thái Bình Dương, với những con sóng đủ mạnh để nhấn chìm hai phụ nữ tại Peru, nơi cách Tonga hơn 10.000 km.
Sóng thần nhấn chìm nhà cửa, gây lũ lụt diện rộng, cắt đứt mạng lưới liên lạc ở Tonga. Chính quyền Tonga gọi trận sóng thần là "thảm họa chưa từng có". Hơn 80% dân số 100.000 người của quần đảo bị ảnh hưởng. Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia đã bắt đầu gửi hàng cứu trợ tới Tonga.