Quy định về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu tại các cảng, cơ sở, dự án, tàu thuyền hoạt động kinh doanh, vận chuyển xăng dầu trên sông, biển; quy định cụ thể việc đầu tư các trang thiết bị cần thiết trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên đất liền, các tàu vận chuyển, kinh doanh xăng dầu trên biển, trên sông, cảng biển, làm cơ sở để các địa phương thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, đảm bảo đáp ứng công tác ứng phó sự cố như sau:

THẨM QUYỀN, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

  • Thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố

Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở hoạt động trên địa bàn Thành phố đối với các trường hợp sau:

1. Các cơ sở trên địa bàn Thành phố có đăng ký tại Hà Nội về hoạt động kinh doanh, sản xuất, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu và các sản phẩm dầu từ 20 tấn trở lên có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu tại các bến thủy nội địa sông, hồ hoặc trên đất liền.

2. Các cơ sở có hoạt động về kinh doanh, sản xuất, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu và các sản phẩm dầu vừa có một phần hoạt động trên sông, một phần hoạt động trên đất liền gây ra hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu trên sông hoặc trên đất liền.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp nhận, tổ chức thẩm định hồ sơ Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trước khi trình UBND Thành phố phê duyệt.

  • Thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp quận, huyện, thị xã

1. Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là cấp huyện) quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở hoạt động trên địa bàn quận, huyện, thị xã đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền (dưới 20 tấn).

2. Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp UBND cấp quận, huyện, thị xã tổ chức thẩm định hồ sơ Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trước khi trình UBND cấp huyện phê duyệt.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

  • Thời điểm lập, trình thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Đối với các cơ sở mới, kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu phải được lập và phê duyệt trước khi đi vào hoạt động.

2. Đối với các cơ sở đã đi vào hoạt động trước thời điểm Quy định này có hiệu lực, chưa xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, phải xây dựng kế hoạch và trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Quy định này có hiệu lực. Nếu quá thời hạn 01 năm nêu trên cơ sở phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử phạt theo quy định hiện hành đồng thời phải tiếp tục xây dựng kế hoạch và trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

3. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở đã được phê duyệt phải được cập nhật, sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi về tăng quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu và các sản phẩm dầu làm tăng độ rủi ro gây ra tràn dầu ở mức độ lớn.

  • Nội dung kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Mô tả loại hình, quy mô hoạt động của cơ sở.

2. Dự báo: Các khu vực có khả năng xẩy ra sự cố tràn dầu; mức độ sự cố tràn dầu có thể xảy ra tại mỗi khu vực; đánh giá rủi ro, khu vực bị ảnh hưởng nếu xảy ra sự cố tràn dầu tại cơ sở.

3. Nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu (nhân lực, trang thiết bị ứng phó).

4. Cơ cấu tổ chức và phân công trách nhiệm quyền hạn.

5. Quy trình triển khai, kiểm soát ứng phó sự cố tràn dầu bao gồm cả việc xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng bên ngoài để ứng phó sự cố tràn dầu trong trường hợp việc ứng phó sự cố vượt ra bên ngoài khả năng của cơ sở.

6. Kế hoạch trang bị, đào tạo, huấn luyện, diễn tập.

7. Cập nhật kế hoạch.

  • Hồ sơ đề nghị thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND thành phố

1. Thành phần hồ sơ gồm:

a. Văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính) (theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 kèm theo Quy định này);

b. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (07 bản) (theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 kèm theo Quy định này).

2. Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

3. Cách thức thực hiện:

Chủ cơ sở thuộc đối tượng quy định, nộp và nhận kết quả trực tiếp tại Bộ phận một cửa thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

  • Quy trình, thủ tục tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thuộc thẩm quyền của UBND thành phố

1. Quy trình tiếp nhận hồ sơ:

a. Bộ phận một cửa thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ theo đúng quy định và viết phiếu tiếp nhận hồ sơ.

b. Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát về sự hợp lệ của nội dung hồ sơ. Trường hợp nội dung hồ sơ không hợp lệ thì trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ phải ra thông báo bổ sung hồ sơ để chủ cơ sở hoàn thiện.

Thời gian chủ cơ sở bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời hạn thẩm định hồ sơ.

2. Thời hạn và quy trình thẩm định hồ sơ:

Trong vòng 10 (mười) ngày làm việc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định hồ sơ. Bao gồm các nội dung sau:

a. Hình thức thẩm định:

* Đối với những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5:

Trong thời hạn 04 (bốn) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xin ý kiến thẩm định bằng văn bản của các đơn vị liên quan sau:

- Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc.

- Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Thành phố

- UBND cấp quận, huyện, thị xã nơi triển khai dự án.

- Sở Công thương và các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực dầu khí, môi trường.

* Đối với những đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5:

Trong thời hạn 04 (bốn) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xin ý kiến thẩm định bằng văn bản của các đơn vị liên quan sau:

- Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc.

- Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Thành phố

- UBND cấp quận, huyện, thị xã nơi triển khai dự án.

- Sở Công thương và các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực dầu khí, môi trường.

Đồng thời tổ chức kiểm tra thực tế đối với các cơ sở này.

* Thời hạn trả lời bằng văn bản của các đơn vị được xin ý kiến: Căn cứ theo quy mô, tính chất của các đối tượng lập kế hoạch mà Sở Tài nguyên và Môi trường quy định thời gian góp ý của các đơn vị liên quan trong văn bản xin ý kiến, nhưng không quá 07 (bảy) ngày làm việc. Thời gian xin ý kiến thẩm định của các đơn vị không tính vào thời gian thụ lý hồ sơ.

b. Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành thông báo kết quả thẩm định cho chủ cơ sở. Trên cơ sở thông báo kết quả thẩm định, chủ cơ sở có trách nhiệm thực hiện một trong các công việc sau: Xây dựng lại Kế hoạch (trong trường hợp Kế hoạch không được thông qua) và nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định lại (thủ tục và thời hạn thẩm định như thẩm định Kế hoạch lần đầu); Chỉnh sửa, bổ sung lại Kế hoạch (trong trường hợp Kế hoạch được thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung) và nộp đến Sở Tài nguyên và Môi trường kèm theo văn bản giải trình các nội dung chỉnh sửa, bổ sung theo thông báo kết quả thẩm định; Nộp lại Kế hoạch cho Sở Tài nguyên và Môi trường (trong trường hợp Kế hoạch được thông qua mà không cần chỉnh sửa).

c. Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày Kế hoạch được thông qua nhưng không phải chỉnh sửa bổ sung hoặc kể từ ngày nhận được Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã chỉnh sửa, bổ sung kèm theo văn bản giải trình (đối với trường hợp Kế hoạch được thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung), Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Trường hợp Kế hoạch đã chỉnh sửa, bổ sung nhưng chưa đáp ứng các yêu cầu thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải có văn bản trả hồ sơ và nêu rõ lý do.

d. Thời gian thụ lý hồ sơ không tính thời gian chủ cơ sở phải chỉnh sửa, bổ sung Kế hoạch theo ý kiến của các thành viên thẩm định.

3. Phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu:

a. Thành phần hồ sơ gồm:

- Tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND Thành phố phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính);

- Dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính);

- Thông báo kết quả thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi chủ cơ sở (nếu có);

- Văn bản của chủ cơ sở giải trình các nội dung chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp Kế hoạch phải chỉnh sửa bổ sung (01 bản chính) (nếu có);

- Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được hoàn thiện.

b. Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.

c. Thời gian phê duyệt và trả kết quả:

Trong vòng 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ kèm theo Tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố có trách nhiệm phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho cơ sở.

Bộ phận một cửa thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường lưu hồ sơ và trả kết quả gồm: 01 Quyết định phê duyệt và 01 bản Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được xác nhận.

  • Hồ sơ thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện

1. Thành phần hồ sơ gồm:

a. Văn bản của Chủ cơ sở đề nghị thẩm định, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính) (theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 kèm theo Quy định này);

b. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (05 bản chính) (theo mẫu quy định tại Phụ lục 04 kèm theo Quy định này).

2. Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

3. Cách thức thực hiện:

Chủ cơ sở thuộc đối tượng quy định, nộp trực tiếp và nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện.

  • Quy trình, thủ tục tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện

1. Quy trình tiếp nhận hồ sơ:

a. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ.

b. Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát về sự hợp lệ của nội dung hồ sơ, tổ chức kiểm tra thực tế (nếu cần thiết). Trường hợp nội dung hồ sơ không hợp lệ thì trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bổ sung hồ sơ để chủ cơ sở hoàn thiện.

2. Thời hạn và quy trình thẩm định hồ sơ:

Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo trình tự sau:

a. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét nội dung Kế hoạch; xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường; các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực dầu khí, môi trường; phòng cháy chữa cháy (nếu cần thiết). Đồng thời tiến hành kiểm tra thực tế cơ sở (đối với những đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5).

b. Trong thời hạn không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, Phòng Tài nguyên và Môi trường ban hành thông báo kết quả thẩm định cho chủ cơ sở. Trên cơ sở thông báo kết quả thẩm định chủ cơ sở có trách nhiệm thực hiện một trong các công việc sau: Xây dựng lại Kế hoạch (trong trường hợp Kế hoạch không được thông qua) và nộp cho Phòng Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định lại (thủ tục và thời hạn thẩm định như thẩm định Kế hoạch lần đầu); chỉnh sửa, bổ sung lại Kế hoạch (trong trường hợp Kế hoạch được thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung) và nộp cho Phòng Tài nguyên và Môi trường kèm theo văn bản giải trình các nội dung chỉnh sửa, bổ sung theo thông báo kết quả; nộp lại Kế hoạch cho Phòng Tài nguyên và Môi trường (trong trường hợp Kế hoạch được thông qua mà không cần chỉnh sửa).

c. Trong thời hạn không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày Kế hoạch được thông qua nhưng không phải chỉnh sửa bổ sung hoặc kể từ ngày nhận được Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã chỉnh sửa, bổ sung kèm theo văn bản giải trình (đối với trường hợp Kế hoạch được thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung), Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt. Trường hợp Kế hoạch đã chỉnh sửa, bổ sung nhưng chưa đáp ứng các yêu cầu thì Phòng Tài nguyên và Môi trường phải có văn bản trả hồ sơ và nêu rõ lý do.

d. Thời gian thụ lý hồ sơ không tính thời gian xin ý kiến chuyên gia, thời gian chủ cơ sở chỉnh sửa, bổ sung Kế hoạch theo ý kiến thẩm định của Phòng Tài nguyên và Môi trường.

3. Phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu:

a. Thành phần hồ sơ gồm:

- Tờ trình của Phòng Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND cấp huyện phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính);

- Dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (01 bản chính);

- Thông báo kết quả thẩm định của Phòng Tài nguyên và Môi trường gửi chủ cơ sở (nếu có);

- Văn bản của chủ cơ sở giải trình các nội dung chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp kế hoạch phải chỉnh sửa, bổ sung (01 bản chính) (nếu có);

- Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được hoàn thiện.

b. Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.

c. Thời gian phê duyệt và trả kết quả:

Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, UBND cấp huyện xem xét ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của chủ cơ sở Phòng Tài nguyên và Môi trường lưu hồ sơ và chuyển kết quả cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện lưu và trả kết quả gồm: 01 Quyết định phê duyệt, 01 bản Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được xác nhận.

  • Quản lý Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

1. Các Kế hoạch ứng phó sự cố tràn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị thẩm định phải gửi cho các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan về nội dung thực hiện để phối hợp triển khai theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quy định trong Kế hoạch.

2. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, chủ cơ sở phải đảm bảo đúng các yêu cầu trong quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.

3. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở có hiệu lực trong thời hạn 05 năm kể tư ngày Kế hoạch được phê duyệt. Trong thời hạn 05 năm, trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư, xây dựng như thay đổi quy mô đầu tư thay đổi thiết kế,... dẫn đến thay đổi nội dung Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt, chủ cơ sở phải báo cáo cơ quan phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu. Sau 05 năm, chủ cơ sở phải xây dựng lại Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu phải được lưu giữ tại cơ sở và phải trình cho các cơ quan quản lý khi có yêu cầu theo quy định pháp luật.

CÔNG TY TNHH MTV BIG NANO TECHNOLOGY

Hotline: 087 980 8080

Văn phòng đại diện: Tòa tháp A The Manor, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội, Việt Nam

Nhà máy sản xuất: Xã Thái Phương, Huyện Hưng Hà, Tp. Thái Bình, Việt Nam