Để đảm bảo quá trình khắc phụ sự cố tràn dầu một cách hiệu quả nhất, chúng ta cần chuẩn bị một quy trình cụ thể để sẵn sàng thực hiện khi có sự cố xảy ra. Dưới đây là quy trình ứng cứu sự cố tràn dầu chuẩn đối với sự cố vừa và nhỏ.

Xử lý thông tin, báo cáo và thông báo về sự cố tràn dầu

Xử lý thông tin, báo cáo về sự cố tràn dầu

Khi nhận được thông tin, báo cáo về sự cố tràn dầu của cơ sở. Ban chỉ huy/Đội ứng phó sự cố tràn dầu thực hiện xử lý thông tin, báo cáo gồm các nội dung sau:

  • Đánh giá tính xác thực của thông tin, báo cáo về sự cố tràn dầu.
  • Sơ bộ đánh giá tính chất, phạm vi, mức độ và hậu quả có thể của sự cố tràn dầu.
  • Chỉ đạo đội ứng phó triển khai phương án, biện pháp ứng phó khẩn cấp theo phương châm 04 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, phương tiện và thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Thông báo về sự cố tràn dầu

Thông báo nội bộ: cập nhật số điện thoại liên hệ.

Báo cáo, thông báo đến các cơ quan quản lý có liên quan (theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu) về tình hình xử lý thông tin và các biện pháp triển khai. Phối hợp ứng phó cụ thể và đề xuất kiến nghị: cập nhật địa chỉ và số điện thoại tiếp nhận khẩn.

Thông báo với cơ quan, đơn vị đã ký kết hợp đồng hỗ trợ ứng phó trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu (nếu có): cập nhật địa chỉ, số điện thoại liên hệ.

Thông báo cho đơn vị có khả năng hỗ trợ ứng phó sự cố tràn dầu (đối với sự cố vượt khả năng tự ứng phó của cơ sở): cập nhật địa chỉ, số điện thoại liên hệ.

Thông báo cho các cơ quan, đơn vị và người dân trong vùng, khu vực bị ảnh hưởng. Hoặc có khả năng bị ảnh hưởng về sự cố tràn dầu để chủ động ứng phó, khắc phục: cập nhật địa chỉ, số điện thoại liên hệ.

Tổ chức triển khai các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

Đối với sự cố tràn dầu ở quy mô cơ sở: mô tả cụ thể các hoạt động triển khai ứng phó sự cố tràn dầu tại hiện trường và nêu rõ trách nhiệm từng thành viên tham gia ứng phó sự cố tràn dầu.

Đối với sự cố tràn dầu vượt khả năng tự ứng cứu của cơ sở: mô tả các biện pháp chủ động ứng phó tại chỗ, phương án phối hợp triển khai ứng phó và nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, vị tham gia ứng phó sự cố tràn dầu tại hiện trường.

Báo cáo quá trình ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu

Báo cáo trong ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu: cơ sở thực hiện báo cáo về quá trình ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu gửi về Ủy ban nhân dân cấp huyện. Báo cáo sự cố tràn dầu phải được duy trì liên tục từ lúc phát hiện dầu tràn đến khi kết thúc hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, bao gồm các báo cáo sau:

  • Báo cáo ban đầu sự cố tràn dầu: thực hiện khi phát hiện về sự cố tràn dầu;
  • Các báo cáo sự cố tràn dầu tiếp theo: thực hiện định kỳ hàng ngày trong quá trình ứng phó sự cố tràn dầu;
  • Báo cáo kết thức sự cố tràn dầu: thực hiện khi kết thúc các hoạt động ứng phó;
  • Báo cáo tổng hợp sự cố tràn dầu: thực hiện để tổng hợp tình hình ứng phó sự cố tràn dầu từ lúc phát hiện dầu tràn đến khi kết thúc các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Nội dung báo cáo bao gồm các thông tin sau:

  • Thời gian xảy ra hoặc phát hiện sự cố;
  • Vị trí sự cố, toạ độ (nếu có)
  • Loại dầu (dầu thô, dầu thành phẩm, …);
  • Ước tính khối lượng và tốc độ dầu tràn;
  • Điều kiện thời tiết (sóng, gió, dòng chảy, …);
  • Các thông tin liên quan khác;
  • Các hoạt động đã và dự kiến triển khai;
  • Các yêu cầu, đề nghị trợ giúp, cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu;

Kết thúc hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

Công tác thu dọn hiện trường sau sự cố, xử lý chất thải thu gom sau sự cố, làm sạch vệ sinh môi trường;

Tổ chức quan trắc môi trường sau sự cố;

Công tác tài chính thanh toán cho những bên liên quan tham gia hỗ trợ ứng phó sự cố tràn dầu và bồi thường thiệt hại (nếu có)

Sơ đồ tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu

Bước 1. Người phát hiện sự cố tràn dầu thông báo Ban chỉ huy/Đội ứng phó sự cố tràn dầu;

Bước 2. Ban chỉ huy/Đội ứng phó sự cố tràn dầu xử lý thông tin, báo cáo và thông báo về sự cố tràn dầu;

Bước 3. Tổ chức triển khai các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu và báo cáo quá trình xử lý sự cố tràn dầu;

Bước 4. Thu dọn hiện trường sau khi xử lý sự cố tràn dầu và báo cáo kết thúc sự cố tràn dầu;

Bước 5. Đánh giá thiệt hại sau sự cố, tính toán chi phí xử lý; thực hiện công tác đền bù (nếu có); xử lý vi phạm và tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng;

Bước 6. Báo cáo tổng hợp sự cố tràn dầu.